Latest Posts

Khô cá đù một nắng Cần Giờ

Khô cá lù đù một nắng Cần Giờ bảo đảm tươi ngon, thịt cá chắt ngọt, ... Chế biến bằng cách chiên giòn hoặc nướng lửa than....

Cá đù chiên giòn

1kg gồm 2 bịch nhỏ đã hút chân không, 1 bịch từ 8-12 con
 Khô cá đù: 180.000 đồng/kg

Bò một nắng Đức Hòa - Long An

 Bò loại 1: 620.000 đồng/kg
Bò loại 2: 480.000 đồng/kg

Đậm đà vị bò một nắng

Thịt bò được nướng rám vàng tỏa mùi thơm hấp dẫn, ăn kèm là chén muối kiến vàng của đồng bào dân tộc có vị chua đặc trưng rất lạ miệng, hoặc nước mắm được nêm nếm ngọt sền sệt đầm đà theo kiểu miền tây,...

Thị trấn Củng Sơn (Phú Yên) là nơi sản sinh ra loại bò một nắng này. Ngày nay bò một nắng đã trở thành đặc sản phổ biến không chỉ ở Phú Yên mà còn ở các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền tây nam bộ. Tên gọi của bò một nắng bắt nguồn từ cách chế biến. Món ăn được làm từ thịt bò tươi, thái thành từng miếng mỏng, ướp sơ qua với các loại gia vị, đem phơi ngoài nắng trong một ngày nên có tên gọi là bò một nắng. Sau đó đóng vào bao cất giữ, khi ăn chỉ cần lấy ra nướng chín trên bếp than hồng và thưởng thức.

Được tẩm gia vị và phơi trong một ngày nên được gọi là bò một nắng. 

Chế biến bò một nắng rất đơn giản, chỉ cần chọn loại nguyên liệu ngon là được. Theo bí quyết của người dân địa phương, thịt bò nhất quyết phải là bò tơ, được chăn thả trong tự nhiên nên thớ thịt săn chắc, ít nước lại có vị ngọt tự nhiên đem lại cho người ăn cảm giác ngon miệng. Thịt được lóc bỏ da, rửa sạch và thái thành từng miếng mỏng, lớn cỡ bằng bàn tay là được. Thịt sau khi thái xong được ướp sơ qua với các loại gia vị như đường, muối, bột nêm, ớt trái giã nhỏ, vừng.


Khi nướng, nhớ trở đều tay để bò chín đều và không bị cháy.

Khâu ướp gia vị rất quan trọng, không nên ướp đậm quá vì khi nướng chín, thịt sẽ bị mặn không ngon, cũng không nên ướp nhạt quá, bò không thấm đủ gia vị, sẽ nhanh hư, không để lâu được. Sau đó đem phơi ngoài nắng, nếu trời nắng to, chỉ cần phơi trong một ngày, thịt bò khô lại, cầm lên tay không bị dính là được. Khi ăn, chỉ cần lấy từng miếng thịt, cho lên vỉ và nướng trên bếp than hồng. Thịt nướng chín rám vàng hai cạnh cùng mùi thơm tỏa ra rất quyến rũ. Khi nướng nhớ trở đều tay để thịt chín đều và không bị cháy.

Bò sau khi nướng chín, được cho lên thớt, dùng chày đập nhẹ cho miếng bò mềm, xé thành từng miếng nhỏ. Bò một nắng được ăn kèm với dưa leo, chuối chát, các loại rau thơm và thức chấm. Thức chấm của món ăn này rất phong phú, có thể là tương ớt, muối ớt chanh, nước mắm ngọt... nhưng độc đáo và ngon miệng hơn cả phải là muối kiến vàng của người dân tộc.


Bò được ăn kèm với rau rừng, dưa leo, chuối, khế, ....


Kiến vàng (hay còn gọi là kiến càng) là loại côn trùng chuyên sống trên cây trong rừng hay các vườn cây ăn trái. Kiến sau khi bắt về, cho lên chảo rang sơ kiến và trứng kiến. Sau đó cho thêm gia vị như muối, ớt vào cối và giã nhuyễn với một loại lá rừng đặc biệt có tên gọi là lá then len (tên gọi của người dân tộc). Xé một miếng thịt bò, chấm vào chén muối kiến vàng và thưởng thức cùng các loại rau để cảm nhận thịt bò mềm và ngọt hòa trong cái đậm đà nhưng chua chua của muối kiến rất ngon miệng.

Lưu luyến hương vị lia thia

Mùa lia thia kéo dài từ tháng Mười năm trước đến tháng Tư âm lịch năm sau, rộ ngay quãng giữa của tháng Mười Một và tháng Chạp. “Giang sơn” của chúng là cánh đồng bưng với nhiều vạt tràm, rạch cỏ năn... chim bay mỏi cánh, kéo dài từ huyện Thủ Thừa, qua Bến Lức về Đức Huệ, chạy dài thêm 27 km giáp giới xứ chùa Tháp, nơi cửa khẩu “Tho Mo”.

Tự điển mở Wikipedia cũng không có nhiều thông tin về giống cá bé tẹo này: “Cá lia thia là một loại cá nước ngọt sống ở ao hồ và ruộng lúa ở Đông Á... Con lớn dài khoảng 10cm....”. Dân mê cá đá lẫn cá cảnh cũng không khoái lia thia ta, vì màu sắc kém sặc sỡ, nhỏ con hơn lia thia Thái (Xiêm) và độ “lì” đòn cũng không bằng. Còn dân lao động thì không quan tâm những điểm đó, họ chỉ chú trọng độ tươi và số lượng: ít nhất vài - ba chén, mới làm được món kho lạt hoặc um (om) làm mắm chua cho cả nhà những bữa ăn ngon.

Bị “cám dỗ” bởi những com mắm “nhỏ mà không chảnh”, một nhà báo, gốc miền Trung, rất sành các loại mắm, vội rủ người viết cùng lặn lội đến tận nơi về Đức Huệ - Long An. Bữa tiệc mắm hôm ấy thật đầm ấm và hấp dẫn lạ! Rau vườn, rau bưng “bị”... triệu tập về “góp sức” từ sáng sớm. Chúng lấp lánh sắc màu, tràn đầy nhựa sống, nào: đọt xoài tím biếc, đọt bứa trắng xanh, miếng khóm đỏ tươi... chuối chát xanh non sau hè, khế chua tươi nguyên mới hái. Một anh đi cùng vẫn tặc lưỡi bảo: “Thiếu đậu rồng, chạy kiếm khắp ba chợ vẫn không thấy!”


Trái đậu rồng non nhỏ hơn ngón tay cái, đuôi còn dính cánh hoa héo rũ, xanh mướt màu mạ non, trông thật mát mắt. Cắn vào nghe “ngọt xớt”, giòn rau ráu tựa trỗi nhạc! Hoặc thuận tay bẻ gãy ba trái đậu, cuốn bánh tráng với nhúm mắm chua lia thia, vài lát thịt ba rọi, mấy cọng hẹ, miếng khóm... Ngon ngất ngây! Mùi mắm chua thơm bèn tỏa lên, khiến suối nước bọt trong vòm miệng thực khách càng “lồng lộn”, như cơn lũ dữ miền Trung.

Tuy mắm chua thanh nhưng vẫn có hậu mặn nhẹ, “cặp đôi” cùng chất cay thơm của ớt hiểm, quyện với độ ngọt béo từ thịt mỡ và không thiếu vị chan chát, nồng nồng của các loại đọt rau dại, cùng gừng củ xắt sợi. Đúng là một món ngon hội đủ vị đời và hài hòa âm dương, để người ăn dễ tiêu, lâu ớn ngán.

Gặp thịt mỡ, nhà báo nữ mừng rơn nói: “Ăn mắm mà không có độ béo của heo thì giảm mất phân nửa cái ngon. Thịt heo siêu thị ở Sài Gòn giờ toàn siêu nạc. Thiệt buồn!”

Cứ một một ký ba cá tươi, cho ra một ký mắm chua lia thia. Phải lựa kỹ, rửa sạch thật nhẹ tay, đem ướp với ít muối trong một đêm. Rồi giở ra, cho bột thính vào với tỷ lệ thích hợp, trộn đều. Lại cho vào chậu, phủ kín mặt một lớp lá chuối tươi, lá cây quanh vườn, bọc ni long kín miệng nắp. Trong bóng tối, lượng tinh bột từ cơm khô rang, xay nhuyễn, âm thầm lên men “một cách kỳ bí”... Đợi 30 ngày sau sẽ ngon ăn!


Được biết, dịp tết vừa rồi, có cơ quan trong tỉnh Long An, đặt mua vợ chồng anh nông dân tại Đức Huệ đến 20 triệu đồng tiền mắm chua lia thia, dùng làm quà biếu. Mặc dù, giá một ký mắm này, cao hơn hai ký thịt heo loại ngon: 200.000 đồng. Nhiều người sành ăn tại Sài Gòn cũng tìm đến Đức Huệ để đặt mua làm quà biếu cho đối tác ở các vùng miền khác.


Đậm đà hương vị mắm lòng tong


Lòng tong là loại cá con, nhỏ như cá cơm. Khi mùa mưa về, sông suối ao hồ kênh mương đều đầy nước. Người Miền Tây lại rủ nhau đi bắt cá lòng tong về làm mắm, vừa có thể làm thức ăn dự trữ, vừa có thể đem bán tăng thu nhập cho gia đình.

Cá lòng tong sau khi được bắt về, đầu tiên người ta nặn bóp cho hết những chất bẩn trong bụng cá, rồi rửa sạch. Sau đó bỏ vào chum ủ muối với một nắm cơm nguội hay nắm gạo rang giã thành bột và trộn lẫn với nhau. Phía trên phủ kín một lớp lá cây, lá chùm miệng rồi bao kín lại bằng một miếng ni lon, xong mới đậy nắp.

Tỷ lệ mặn nhạt của mắm lòng tong ở mỗi vùng mỗi khác nhau, nó phụ thuộc vào tập quán và nơi cư trú của họ. Nơi gần biển thì thích ăn mặn, những vùng nông thôn thì ăn nhạt hơn. Chum mắm lòng tong để trong nhà ăn mắm sẽ mát và ngon hơn, mặn mà mùi vị hơn khi để ngoài nắng. Thời gian ủ mắm thường mười ngày là ăn được.


Mắm lòng tong là đặc sản của người Miền Tây, vừa dân dã, vừa đậm đà, thể hiện tình người và lòng mến khách của con người nơi đây.
Cái thú vị của mắm lòng tong là những thứ gia vị được cho vào khi mắm đã ngấu để ăn. Khi ăn người ta giã gừng, tỏi, ớt cho nhuyễn và trộn với một ít đường, vừa mặn vừa ngọt, vừa bùi, vừa thơm rất mùi vị. Không có những thứ này sẽ không thành mắm lòng tong đặc trưng.


Mắm lòng tong có thể ăn với cơm hoặc nhậu. Nếu ăn cơm, thì thái một đĩa dưa leo và cà tím ăn kèm, còn để nhậu thì không bỏ đường. Nhậu với rượu, người ta thường ăn kèm với đậu ròng, rau sống hoặc cà pháo và khế chua thái nhỏ. Mắm lòng tong làm rất đơn giản, ít tốn công, tốn tiền, không chỉ để ăn cơm ngon miệng mà còn để nhậu, lại dự trữ được lâu ngày mà không phai mùi.

Ngày nay ăn cơm với mắm lòng tong, ngoài cà pháo, khế chua, người ta còn có thêm vào làm món nhậu cùng với đĩa cá rô, cá trào nướng và ly rượu trắng. Đơn giản vậy thôi, mà cũng đã thấy rất tuyệt rồi. Mắm lòng tong là thứ đặc sản mà vừa dân dã, chân chất nhưng cũng đậm đà như chính tình người miền Tây.

Sưu tầm