mam-long-tong,

Đậm đà hương vị mắm lòng tong

00:09 Đại Đồng 0 Comments


Lòng tong là loại cá con, nhỏ như cá cơm. Khi mùa mưa về, sông suối ao hồ kênh mương đều đầy nước. Người Miền Tây lại rủ nhau đi bắt cá lòng tong về làm mắm, vừa có thể làm thức ăn dự trữ, vừa có thể đem bán tăng thu nhập cho gia đình.

Cá lòng tong sau khi được bắt về, đầu tiên người ta nặn bóp cho hết những chất bẩn trong bụng cá, rồi rửa sạch. Sau đó bỏ vào chum ủ muối với một nắm cơm nguội hay nắm gạo rang giã thành bột và trộn lẫn với nhau. Phía trên phủ kín một lớp lá cây, lá chùm miệng rồi bao kín lại bằng một miếng ni lon, xong mới đậy nắp.

Tỷ lệ mặn nhạt của mắm lòng tong ở mỗi vùng mỗi khác nhau, nó phụ thuộc vào tập quán và nơi cư trú của họ. Nơi gần biển thì thích ăn mặn, những vùng nông thôn thì ăn nhạt hơn. Chum mắm lòng tong để trong nhà ăn mắm sẽ mát và ngon hơn, mặn mà mùi vị hơn khi để ngoài nắng. Thời gian ủ mắm thường mười ngày là ăn được.


Mắm lòng tong là đặc sản của người Miền Tây, vừa dân dã, vừa đậm đà, thể hiện tình người và lòng mến khách của con người nơi đây.
Cái thú vị của mắm lòng tong là những thứ gia vị được cho vào khi mắm đã ngấu để ăn. Khi ăn người ta giã gừng, tỏi, ớt cho nhuyễn và trộn với một ít đường, vừa mặn vừa ngọt, vừa bùi, vừa thơm rất mùi vị. Không có những thứ này sẽ không thành mắm lòng tong đặc trưng.


Mắm lòng tong có thể ăn với cơm hoặc nhậu. Nếu ăn cơm, thì thái một đĩa dưa leo và cà tím ăn kèm, còn để nhậu thì không bỏ đường. Nhậu với rượu, người ta thường ăn kèm với đậu ròng, rau sống hoặc cà pháo và khế chua thái nhỏ. Mắm lòng tong làm rất đơn giản, ít tốn công, tốn tiền, không chỉ để ăn cơm ngon miệng mà còn để nhậu, lại dự trữ được lâu ngày mà không phai mùi.

Ngày nay ăn cơm với mắm lòng tong, ngoài cà pháo, khế chua, người ta còn có thêm vào làm món nhậu cùng với đĩa cá rô, cá trào nướng và ly rượu trắng. Đơn giản vậy thôi, mà cũng đã thấy rất tuyệt rồi. Mắm lòng tong là thứ đặc sản mà vừa dân dã, chân chất nhưng cũng đậm đà như chính tình người miền Tây.

0 nhận xét: